(QNO) - Ở xã Mà Cooih (huyện Đông Giang), đảng viên Alăng Tư luôn nhiệt tình, trách nhiệm với công việc được giao. Điều đáng quý là người đảng viên này rất chịu khó tìm tòi, học hỏi để vận dụng vào thực tế phát triển kinh tế gia đình, được cộng đồng dân cư tin tưởng.
Nông dân vượt khó
Khi được hỏi hộ nào là điển hình trong nỗ lực vượt khó, chăm lo phát triển kinh tế, Chủ tịch UBND xã Mà Cooih - ông A Râl Bói giới thiệu ngay gia đình Alăng Tư, hiện trú thôn A Roong. Để tận mắt thấy tai nghe, một nữ cán bộ phụ trách nông nghiệp cùng một chị đảm trách công tác thú y của xã đã dẫn đường đưa chúng tôi đến thăm anh Alăng Tư.
Từ đường ĐT609, chúng tôi rẽ bên phải tuyến rồi lội bộ vào sâu chừng 200m, băng qua một con suối nhỏ và đặt chân đến khu đất rộng chừng 1ha mà gia đình anh Alăng Tư (sinh năm 1990) đang sinh sống, vừa là nơi trồng cây, chăn nuôi. Dù gặp “khách không mời mà đến”, anh Tư lập tức chạy xe máy đi bằng con đường khác ra quán tạp hóa gần đó mua nước uống về đon đả đón tiếp. Anh kể, lấy vợ từ năm 24 tuổi. Do gia đình đông người nên hai vợ chồng anh quyết định ra ở riêng.
Thời điểm mới xây dựng tổ ấm riêng, nguồn thu nhập chủ yếu của hai vợ chồng chủ yếu dựa vào rừng, canh tác và chăn nuôi manh mún, được chăng hay chớ. Anh may mắn được ngành nông nghiệp huyện chọn hỗ trợ 10 con heo nái - giống heo cỏ địa phương, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật thả nuôi, cách chăm sóc và phòng ngừa bệnh. Từ đây, anh Tư quyết tâm đầu tư cho trang trại một cách bài bản, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào làm ăn.
Trên khu đất của mình, một khoảng không gian rộng được rào bằng lưới B40 để thả nuôi heo, quanh đó trồng chuối vừa để bán buồng và búp chuối, thân cây thì băm làm thức ăn cho heo.
Gia đình anh còn trồng 3 sào sắn chủ yếu phục vụ chăn nuôi, gà thả đồi. Với nguồn heo nái giống, mỗi năm đẻ khoảng 40 con heo con. Anh cung cấp cho người dân có nhu cầu, giá bán 1,5 - 2 triệu đồng/con.
Thu nhập thêm của hai vợ chồng còn dựa vào cây keo nguyên liệu, 5 ao nuôi cá trắm cỏ (diện tích mặt nước 50m2/ao) vừa cho vụ thu hoạch đầu tiên… Nhờ vậy, gia đình anh đã dần thoát nghèo, cất lại căn nhà kiên cố hơn và có điều kiện chăm lo cho đứa con năm nay học lớp Ba.
Đảng viên gương mẫu
Ngoài chịu khó, dám nghĩ và dám làm, anh Alăng Tư được cộng đồng dân cư và lãnh đạo địa phương mến phục, tin tưởng vì luôn nhiệt tình, gương mẫu trong các hoạt động phong trào. Năm 2014, chàng thanh niên này vinh dự được kết nạp vào Đảng. Anh được giao nhiệm vụ thôn đội trưởng, công an viên thôn A Roong. Năm nào anh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Năm 2021, đảng viên trẻ Alăng Tư được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn A Roong. Cạnh đó, anh là Tổ trưởng Tổ vay vốn và tiết kiệm (một bộ phận trực thuộc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đông Giang), đại biểu HĐND xã Mà Cooih.
Dù còn phải lo toan nhiều cho cuộc sống gia đình, anh Tư vẫn nỗ lực, nhiệt huyết trong công tác, gương mẫu chỉ đạo triển khai, hoặc trực tiếp tham gia các hoạt động của thôn, tổ đoàn kết. Các năm 2020 - 2022, anh là đảng viên 3 năm liền “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Tư cho hay còn rất nhiều trăn trở trước tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Anh cho biết, thôn A Roong có tổng cộng 230 hộ với gần 1.000 nhân khẩu. Theo chuẩn mới thì toàn thôn còn 93 hộ nghèo, 12 hộ cận nghèo. Bên cạnh trình độ dân trí chưa cao, một số hộ vẫn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, có tư tưởng làm ăn được ngày nào hay ngày ấy. Trong khi đó, địa hình của thôn phức tạp, thủy lợi không đảm bảo do thường xuyên bị sạt lở vào mùa mưa lũ gây ảnh hưởng đến sản xuất.
Đứng trước thực tế nêu trên, cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn thường xuyên tuyên truyền, phân tích cho bà con thấy sự cần thiết phải thay đổi tư duy, cách làm ăn manh mún để tiến tới có của ăn của để ngay trên mảnh đất quê hương mới mong thoát nghèo. Các cấp cũng có nhiều chính sách hỗ trợ thực tế, nhất là thông qua 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm giảm nghèo bền vững, nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Alăng Tư cho biết, bản thân gia đình anh phải phấn đấu, phát triển mô hình kinh tế thật sự hiệu quả để bà con nhìn thấy mà tin tưởng làm theo. “Từ mô hình nuôi heo cỏ của mình, một số bà con trong thôn đã làm theo và có tín hiệu khả quan. Mọi người cũng dần chuyển đổi từ trồng keo nguyên liệu sang rừng gỗ lớn, trồng cây ăn quả. Sắp tới đây, gia đình mình chuyển diện tích đất đang trồng sắn sang trồng cây ăn quả như cam, bưởi, nhãn…” - anh Tư nói.
Theo Trưởng thôn A Roong, điều đáng mừng là một bộ phận người dân hiện không chỉ mưu sinh dựa vào thu nhập từ phát triển nông - lâm nghiệp, thanh niên trong độ tuổi lao động đã xin được việc làm tại Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang. Một số lao động khác thì làm công nhân tại khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và TP.Đà Nẵng...
Nguồn tin: Báo Quảng Nam- Công Tú