Thành quả bước đầu
Nhằm hiện thực hóa Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, cùng các chương trình, chính sách, dự án, hoạt động về giảm nghèo bền vững năm 2023, Đông Giang đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch, quyết định có liên quan. Theo đó, địa phương thành lập Ban chỉ đạo phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên đứng điểm địa bàn.
Từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, tỉnh được phân bổ và vốn đối ứng của huyện, Đông Giang đã chi đầu tư xây dựng mới 10 công trình giao thông, 5 công trình giáo dục, 2 công trình nước sinh hoạt. Đồng thời, hỗ trợ duy tu, sửa chữa 18 công trình phục vụ dân sinh, sản xuất, thiết yếu trên địa bàn 11 xã, thị trấn.
Theo ông Đỗ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, để đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, địa phương sẽ hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị dự án nuôi hươu lấy nhung và heo đen địa phương. Trên lĩnh vực nông nghiệp, chuỗi liên kết giá trị dự án trồng cây quế tại xã Ba và xã Tư sẽ được hỗ trợ đầu tư.
Đến nay, thông qua các công ty tư vấn tuyển dụng đào tạo và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (thị trường Nhật Bản, Lào), toàn huyện có 46 người đi xuất khẩu lao động. Trong đó, xã Ba có 33 người, thị trấn Prao 2 người, xã A Ting 4 người, Jơ Ngây 2 người; các xã Tư, Tà Lu, Zà Hung, A Rooi, Sông Kôn mỗi xã 1 người.
Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đông Giang - ông Đinh Ngọc Thanh cho biết, triển khai tiểu dự án 3 (thuộc dự án 4) về hỗ trợ việc làm bền vững, ngày 30/6/2023, UBND huyện đã tổ chức thành công sàn giao dịch việc làm tại thị trấn Prao. Tại chương trình này, hơn 250 người trên địa bàn huyện tham gia tư vấn giao dịch việc làm, 15 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đăng ký để được kết nối việc làm. Về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, các địa phương đã triển khai xây dựng được 123/129 nhà (tỷ lệ 95,34%), tháng 12 năm nay sẽ hoàn thành theo kế hoạch giao.
Riêng về thực hiện các chính sách giảm nghèo chung của quốc gia và của tỉnh, tổng dư nợ thực hiện các chương trình cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo đạt kết quả cao. Cụ thể, 2.005 hộ nghèo được vay vốn hơn 98,5 tỷ đồng; 187 hộ cận nghèo vay hơn 9 tỷ đồng; 592 hộ mới thoát nghèo được vay hơn 25,4tỷ đồng...
Cần gỡ những vướng mắc
Tuy nhiên, ông Đỗ Hữu Tùng nhìn nhận, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, dự án về giảm nghèo bền vững, Đông Giang còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đơn cử, tiểu dự án 2 thuộc dự án 3 về cải thiện dinh dưỡng, quy trình mua sắm sản phẩm phải thực hiện đúng theo quy định của Luật Đấu thầu nên sẽ mất nhiều thời gian để thực hiện, dự kiến đến cuối năm 2023 không thể hoàn thành. Việc điều tra xác định trẻ em từ 5-16 tuổi, kết hợp điều tra trẻ gái vị thành niên từ 12-16 tuổi cần thời gian rất lâu.
Đối với tiểu dự án 1 thuộc dự án 4, người lao động ở một số xã trên địa bàn huyện không đăng ký nhu cầu tham gia đào tạo nghề giải quyết việc làm. Cho nên, việc mở lớp đào tạo nghề gặp trở ngại, mặc dù Phòng LĐ-TB&XH đã có văn bản đôn đốc các xã, thị trấn tổ chức rà soát, đăng ký danh sách lao động tham gia đào tạo nghề.
Trong khi đó, cùng một lúc 6 huyện nghèo của tỉnh cũng tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn, vì vậy các cơ sở dạy nghề của tỉnh quá tải, không bố trí được thời gian khai giảng lớp học tiếp theo tại Đông Giang dù đã có học viên đăng ký.
Cũng thuộc dự án 4, tiểu dự án 2 về thực hiện hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng không đơn giản, do nhu cầu người dân tham gia đăng ký đi xuất khẩu lao động còn quá ít; ngược lại có địa phương chưa quan tâm chỉ đạo về tuyên truyền vận động người dân hưởng ứng chương trình.
Thêm vào đó, một số công ty tư vấn tuyển dụng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã trực tiếp hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề, ngoại ngữ nên nhà nước không thể hỗ trợ cho người dân theo quy định. Chưa kể, người đã trúng đơn đặt hàng đủ điều kiện đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, song không cung cấp hồ sơ chứng từ để được hỗ trợ theo quy định.
Trước thực tế trên, Đông Giang kiến nghị trung ương sớm ban hành quy định người lao động có thu nhập thấp để có cơ sở áp dụng. Giao chỉ tiêu nguồn vốn sự nghiệp trung hạn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và phân bổ vốn hàng năm cho kịp thời (giao trong tháng 1 của năm sau) để địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đúng hạn, đảm bảo quy định.
Tỉnh cần tiếp tục ban hành nghị quyết mới áp dụng cho giai đoạn 2022 - 2025 để thay thế Nghị quyết 13 ngày 19/7/2017 của HĐND tỉnh về thực hiện chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững giai đoạn 2017 - 2021, Nghị quyết số 18 ngày 19/7/2018 của HĐND tỉnh quy định mức chi hỗ trợ đối với những người làm công tác giảm nghèo ở cấp xã giai đoạn 2017 - 2020…
Nguồn: https://baoquangnam.vn/